Dự án Chuỗi Fastfood Bánh mì Hotdog Chili’s Food - 3CMAR

Dự án Chuỗi Fastfood Bánh mì Hotdog Chili’s Food

Dự án Chuỗi Fastfood Bánh mì Hotdog Chili’s Food

Khi ngồi viết lại những dòng này, tôi nhớ cái cảm giác có những ngày không có đủ 10 nghìn để ăn một tô hủ tiếu, hay không đủ tiền nạp thẻ để gọi về cho mẹ. Là tôi năm 23 tuổi đó các bạn. Ngồi xuống đây nhấp ngụm trà, rồi tôi kể bạn nghe thanh xuân của tôi nhé!

Thông tin dự án

Dự án Chuỗi Fastfood: Bánh mì Hotdog Chili’s Food

Ý tưởng: Chuỗi xe vỉa hè cung cấp bánh mì hotdog lưu động

Mô hình: nhượng quyền song song mở thêm các chi nhánh

Mục tiêu: trong 1 năm mở được 10 điểm bán

Khách hàng mục tiêu:

  • Học sinh cấp 1, 2, 3
  • Khách qua đường
  • Khách văn phòng

Đối thủ cạnh tranh: Các quán bán đồ ăn sáng

Sản phẩm – Giá:

  • Hotdog xúc xích: 12k/1 sp
  • Mì ý: 15k/hộp

Một số hình ảnh:

Là sản phẩm startup ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, dự án gồm 2 người thực hiện. 

Kết quả: Dự án fail sau một năm thực chiến

Vấp ngã, thất bại đó mới chính là tuổi trẻ, không ai sống hai lần. Vì vậy khi còn trẻ hãy sống hết bản thân mình, vượt qua giới hạn an toàn của bản thân. 

Năm 23 tuổi, cầm tấm bằng ĐH trên tay, bạn bè đều chuẩn bị cho mình những CV cực đẹp. Còn tôi, ngoài chuẩn bị một tâm hồn đẹp, thì tôi cùng một người bạn thân tên là Thảo. Lên kế hoạch chuỗi bánh mì Hotdog Chili’s Food với mục tiêu trở thành chuỗi fastfood lớn nhất vịnh Bắc bộ. 

Gọi vốn

Với khí thế hào hùng, sau 2 tuần chúng tôi có bản kết hoạch chi tiết. Tiếp theo là đến mục quan trọng nhất: “gọi vốn”. Theo dự trù chi phí chúng tôi cần 20 triệu để “khởi nghiệp”. Ai trong chúng ta cũng đều có những nhà đầu tư thiên thần. Và với chúng tôi thì “mẹ” chính là những nhà đầu tư thiên thần ấy. Nói là làm, chúng tôi bàn nhau chia ra gọi đầu tư mỗi đứa 10 triệu

Bắt chuyến xe về ngay trong đêm, tôi tâm sự với mẹ và đúng như dự đoán. Mẹ đưa cho tôi 1 bọc tiền 10 triệu, kèm một tá các lời dặn dò.

Setup

Vào lại Đà Nẵng, chúng tôi được bơm máu và bắt đầu những công việc đầu tiên. Hiện thực hóa giấc mơ 1000 ổ bán ra mỗi ngày. Đầu tiên là đặt xe bán hàng, in hộp giấy, tờ rơi, xin giấy phép bán hàng vỉa hè. Đặt mẫu bánh mì, tìm kiếm nguồn xúc xích …. Cuối cùng sau 2 tháng, chúng tôi có xe bánh mì đầu tiên đúng dịp 20.10. Người ta khởi nghiệp thì sút cân nhưng chúng tôi đứa nào cũng tăng cân. Đơn giản vì sau mỗi lần làm thử lại phải xử lí hết đống đồ thử đó. 

Vị trí mà nhóm chúng tôi chọn là ngã ba Lê Thánh Tôn giao Nguyễn Thị Minh Khai. Lí do chúng tôi chọn địa điểm này vì trước trường cấp 3 Trần Phú. Xung quanh có 2 trường tiểu học (đúng đối tượng mục tiêu), gần các văn phòng, công ty. 

Vận hành

Khi kế hoạch ở trên giấy, chúng tôi có 2 cổ đông. Đến ngày khai trương chúng tôi có thêm 2 cộng sự mới (cộng sự nhà trồng nên không tốn chi phí nhân sự)

Ban đầu, quán bán được tương đối khả quan, khách quay lại và phản hồi tốt. Tuy nhiên sau 2 tháng lượng khách không tăng lên mà có dấu hiệu giảm. Sau 6 tháng, chúng tôi mở được thêm 2 xe mới. Mặc dù mở thêm được 2 cơ sở nhưng vì nhiều lí do sau 1 năm dự án chính thức đóng cửa. 

Nguyên nhân thất bại

  • Thời gian làm một ổ bánh mì quá lâu: Đặc thù của xúc xích luôn phải chiên nóng thì mới ngon. Vì vậy không thể chiên sẵn (các tiệm bánh mì thông thường các nguyên liệu đều được làm sẵn, nên thao tác nhanh)
  • Khách thường chỉ ùa vào trong 30 phút, còn lại chỉ có khách lai rai.
  • Mô hình chỉ có lời khi vận hành đồng thời nhiều chi nhánh và tận dụng thuê nhân viên theo giờ. (Vì mỗi ngày chỉ cần hoạt động từ 5h sáng đến 8h sáng)
  • Cụt vốn: Sau ngày khai trương chúng tôi không có đủ vốn để mở thêm nhiều chi nhánh khác
  • Phân bổ nguồn vốn chưa hợp lí: Với 20 triệu ban đầu đáng lẽ chúng tôi nên đầu tư mở đồng thời 2-3 xe một lần. Trong khi đó chúng tôi lại tốn nhiều vào chi phí in ấn bao bì, vỏ hộp và các chi phí ẩn vì không biết chi tiêu hợp lí.

Bài học kinh nghiệm

  • Quản lí tốt nhân sự rất quan trọng: với những công việc không cần nhiều chất xám. Chỉ cần thao tác thông thường thì nên thuê lao động phổ thông hoặc sinh viên làm theo giờ. Sai lầm của chúng tôi là thay vì thuê nhân viên theo giờ thì chúng tôi lại tự làm. Đáng lẽ thời gian đó chúng tôi đi làm việc khác thì vừa có thu nhập chính. Vừa tiết kiệm được chi phí.
  • Bài toán về vốn: Nên có nguồn tiền dự phòng để duy trì hoạt động của dự án trong ít nhất 6 tháng (thường sẽ phải bù lỗ 6 tháng) 
  • Với những ngành nghề mà sản phẩm dễ dàng bị sao chép thì cần phải bao phủ thị trường một cách nhanh nhất: Khác với bánh mì hay các món ăn thông thường như bún, mì, … mỗi người sẽ nấu được một vị khác nhau, rất khó sao chép. Còn với Bánh mì hotdog, rất dễ sao chép vì vậy sau khi chúng tôi khải trương được 2 tuần thì các xe bán hotdog mọc lên như nấm. Và vì chúng tôi không đủ vốn, không đủ nhanh để phủ thị trường nên lượng khách ngày càng giảm dần.
  • Bài toán nhượng quyền; Cần có các phương pháp kiểm soát chất lượng những cơ sở nhượng quyền. Trong 2 chi nhánh được mở thêm, có một chi nhánh nhượng quyền, tuy nhiên vì không thể kiểm soát được chất lượng nên dẫn đến chi nhánh đó sử dụng nguồn xúc xích khác rẻ hơn, không đảm bảo. Sau này thì chúng tôi không nhìn mặt nhau nữa.
  • Các quy tăc ngầm: Vì mô hình fastfood nên để được bán trên vỉa hè, ngoài được sự cho phép của chủ nhà, bạn còn phải quan tâm đến quy tắc đô thị, các chi phí nộp cho quy tắc đô thị. 
  • Cần chấp nhận từ bỏ khi cần thiết, cần chấp nhận từ bỏ khi cần thiết: (quan trọng nên phải nhắc lại 2 lần). Thực ra ý tưởng của chúng tôi rất khả thi (bằng chứng là đối bắt chước theo và vận hành rất thành công). Nhưng vì những lí do mà tôi đa kể trên nên thất bại. Đáng lẽ khi gặp phải vấn đề, chúng tôi có 2 sự lựa chọn: 1 là tái cấu trúc 2 là đóng cửa. Nhưng chúng tôi lại lựa chọn phương án thứ ba, tiếp tục duy trì hiện trạng và cầu may theo thời gian khách hàng sẽ nhiều lên. Vì vậy khiến chúng tôi nợ càng thêm nợ, cuộc sống thì vẫn phải ăn, mặc, ở để tồn tại. Chi phí thì vẫn tốn nhưng lợi nhuận thì không đủ để trang trải cuộc sống. Nếu trên phim có những cảnh ăn mì không thay cơm thì chúng tôi đỡ hơn, ăn mì kẹp xúc xích thay cơm (nhà trồng được mà). Và một lí do rất quan trọng để chúng tôi không từ bỏ đó là long tự trọng, vì đã hứa với mẹ, với bạn bè sẽ phải thành công, bây giờ nếu từ bỏ thì không biết đối diện với mọi người như thế nào. Bạn biết không? Sau khi quyết định từ bỏ dự án, thay vì cảm giác xấu hổ, chúng tôi cảm thấy như được gỡ tảng đá đè trong lòng. Chấp nhận, mình chưa giỏi, chưa nhiều kinh nghiệm. Vậy thì vấp ngã ở đâu, đứng dậy ở đó. Quay lại viết CV và đi tìm việc, cày cuốc trả nợ nào. Lời hứa hẹn khởi nghiệp tạm gác lại một bên, tích lũy đủ kinh nghiệm rồi ta lại tiếp tục.

Kết luận

Dù dự án phải từ bỏ sau một năm duy trì. Nhưng vì thất bại nên tôi học được rất nhiều điều, đặc biệt, vấp ngã để suy nghĩ thấu đáo và trưởng thành hơn. Theo tôi, thất bại không chứng minh là không giỏi mà cần bước tiến hành trình trưởng thành. Hi vọng câu chuyện của tôi có thể giúp những bạn trẻ đang ấp ủ dự định kinh doanh nào đó. Sẽ có thêm kinh nghiệm để tránh gặp phải những vấn đề mà chúng tôi đã từng gặp. Mà nếu giả như bạn đang trong trường hợp giống tôi, hãy lạc quan lên. Bởi có vấp ngã mới có trưởng thành!

Thân ái và quyết thắng!

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *